Bệnh bạch hầu: Nỗi ám ảnh của thế giới, thêm 1 ca dương tính ở Bắc Giang
3 | 2 Thảo luận | Chia sẻ
Người dân cả nước đang vô cùng hoang mang trước những thông tin bùng phát về căn bệnh bạch hầu xảy ra ở một số tỉnh. Đáng lo là căn bệnh này có biến chứng nhanh hơn cả "ác mộng" Covid-19, thậm chí một số người đã không qua khỏi.
Những ngày vừa qua thông tin về một ca qua đời do bệnh bạch hầu tại Nghệ An và một ca mắc tại Bắc Giang do tiếp xúc với ca này khiến nhiều người lo lắng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An xác định 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc không qua khỏi. Tương tự, Bắc Giang cũng xác định có 15 người tiếp xúc với ca mắc.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B. Bệnh lây theo đường hô hấp theo hình thức giọt bắn, có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi... hoặc lây gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng. Người lành mang trùng là những người mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh, họ vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác.
"Như vậy, nguồn lây có thể là người bệnh, người lành mang trùng nên nhiều khi chúng ta không biết bị lây từ nguồn nào. Điểm nguy hiểm nữa của bệnh là tỷ lệ qua đời cao nếu không được điều trị kịp thời. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm độc nặng, đặc biệt là gây các tổn thương viêm cơ tim, nguy cơ mất cao", PGS Phu nói.
Cũng theo PGS Phu, trước kia bệnh bạch hầu rất phổ biến ở cả thành phố, nông thôn, nhưng nhờ Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà hiện nay số mắc giảm đi rất nhiều. Và sau nhiều năm không có ca bệnh, nhiều bác sĩ không biết bệnh nhân bạch hầu song vừa qua bệnh lại quay trở lại do một số vấn đề liên quan đến tiêm chủng.
Vậy tại sao bệnh hay xảy ra ở miền núi? PGS Phu cho biết, tại miền núi, chúng ta vẫn có những vùng gọi là "vùng trũng" tiêm chủng, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vệ sinh kém. Người dân ở đó sống biệt lập, ít giao lưu nên không có miễn dịch tự nhiên do nhiễm phải cũng không có miễn dịch do tiêm chủng nên khi có dịch thường bùng phát ở miền núi, vùng sâu vùng xa.
Có nhiều yếu tố dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng tại một số vùng thấp như do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều trường hợp không tiêm vaccine hoặc tiêm không đủ liều.
Vi khuẩn bạch hầu thường khu trú và làm tổn thương đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), không qua khỏi do tắc đường thở và viêm cơ tim. Tỷ lệ không qua khỏi khoảng 5-10%, cao hơn ở trẻ nhỏ.
Vi khuẩn bạch hầu sống lâu ở giả mạc và họng của bệnh nhân. Trong điều kiện thiếu ánh sáng vi khuẩn sống tới 6 tháng và tồn tại lâu trên các đồ chơi của trẻ bị bạch hầu, áo choàng của nhân viên y tế... Các thể bệnh bạch hầu hay gặp gồm bạch hầu họng (70%), bạch hầu thanh quản (20-30%), bạch hầu mũi (4%), bạch hầu mắt (3-8%), bạch hầu da...
Người mắc bệnh bạch hầu thường xuất hiện những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày, người bệnh xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời người bệnh có thể hồi phục bình thường.
Bệnh có thể gây ra các biến chứng như tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động và có thể qua đời.
Với thể bạch hầu họng, sau thời gian ủ bệnh từ 2-5 ngày, bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng như sốt nhẹ 37,5-38 độ C, đau họng, khó chịu, sổ mũi có. Khi khám họng có thể thấy họng hơi đỏ, amydan có điểm trắng mờ; sờ thấy hạch cổ nhỏ, di động, không đau.
Sau khoảng 3 ngày, bệnh sẽ bước vào giai đoạn toàn phát với các triệu chứng điển hình nhất: sốt tăng 38-38,5 độ C, nuốt đau, da xanh tái, mệt nhiều, sổ mũi nhiều, nước mũi trắng hoặc lẫn mủ. Khám họng thấy giả mạc lan tràn ở một bên hoặc 2 bên amydan, có thể lan trùm cả lưỡi gà và màn hầu.
Bệnh nguy hiểm là vậy song theo PGS Phu những trường hợp đã tiếp xúc với ca bệnh vừa qua, chúng ta cũng không nên quá lo lắng. Những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh sẽ được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt ngay vi khuẩn bạch hầu, vừa không phát bệnh nếu không may nhiễm vi khuẩn và không trở thành nguồn lây bệnh cho người khác.
Về lâu dài, biện pháp phòng bệnh hiệu quả vẫn là tiêm vaccine. Trẻ cần được tiêm đúng lịch, đủ liều sau đó thì tiêm nhắc lại 10 năm một lần. Tại những vùng có nguy cơ cao, Bộ Y tế có thể thực hiện những chiến dịch tiêm vét, tiêm bổ sung...
Sở Y tế TP.HCM bác bỏ thông tin có ca bệnh bạch hầu xuất hiện trên địa bàn Thiên Di08:18:51 12/07/2024Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) khẳng định thành phố chưa ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu như thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội. Theo Sở Y tế TP.HCM, ca bạch hầu gần đây nhất xuất hiện được phát hiện năm 2020.
3 | 2 Thảo luận | Chia sẻ
4 | 0 Thảo luận | Chia sẻ
2 | 0 Thảo luận | Chia sẻ
2 | 0 Thảo luận | Chia sẻ
3 | 2 Thảo luận | Chia sẻ
3 | 0 Thảo luận | Chia sẻ
1 | 1 Thảo luận | Chia sẻ
1 | 1 Thảo luận | Chia sẻ
4 | 1 Thảo luận | Chia sẻ
3 | 1 Thảo luận | Chia sẻ
2 | 0 Thảo luận | Chia sẻ
2 | 0 Thảo luận | Chia sẻ
7 | 1 Thảo luận | Báo cáo