Cơn sốt cà phê muối vẫn đang "đổ bộ" dọc đường phố và sự thật đằng sau không phải ai cũng biết!
Không thể phủ nhận độ phổ biến của món thức uống cà phê muối bỗng trở nên viral thời gian gần đây, thế nhưng có 1 sự thật phía sau món thức uống mới lạ này lại ít ai biết đến.
Cách đây vài tháng, ở TPHCM, cà phê muối là món đồ uống được dân tình thi nhau săn lùng. Không chỉ tạo thành trào lưu, hình ảnh xe cà phê muối còn gắn với những câu chuyện về khởi nghiệp, kinh doanh. Cùng thời điểm ấy, một số quán ở Hà Nội đã nhanh tay thêm cà phê muối vào danh sách đồ uống và thu về lượng khách lớn.
Bẵng đi một thời gian, khi ai cũng cho rằng trào lưu uống cà phê muối đã "nguội dần", thì những chiếc xe bán cà phê bên đường mới "đổ bộ" khắp các đường phố.
Từ độ nửa tháng nay, trên nhiều con đường ở cả 2 miền Nam - Bắc xuất hiện những chiếc xe di động bán cà phê muối. Không chỉ một, hai hàng mà chạy dọc con phố dài chừng 2,5km, có lẽ phải bắt gặp tới 4-5 chiếc xe.
Cộng đồng mạng mô tả cũng chẳng sai: "500m một hàng cà phê muối", "đường Hà Nội mà tưởng đâu đang lạc con phố nào ở Sài Gòn"... Và nếu so sánh thì độ phổ biến của những chiếc xe này cũng ngang ngửa số lượng các quán trà đá vỉa hè ở Hà Nội bây giờ.
Những chiếc xe có thể khác nhau về phần nhận diện, trang trí nhưng đa phần có thiết kế đơn giản với bảng tên, menu, giá cắm cốc cùng một số chai đựng nguyên liệu pha chế và có thể di chuyển dễ dàng cả xe. Và đều bán cà phê muối, cùng với các loại quen thuộc như nâu đá, đen đá, bạc xỉu...
Một điểm khác biệt với những hàng trà đá, thường chọn đầu ngõ, khu vực có bóng cây che nắng là xe cà phê muối ưu tiên vị trí gần đường hơn.
"Trên đường từ nhà tới công ty, mình đã đếm được 12 chiếc xe bán cà phê muối. Vốn cũng thích loại này từ trước, thế là mỗi ngày mình sẽ dừng xe bên đường mua của một hàng. Cũng chẳng vướng gì đâu vì thậm chí trong lúc đang theo dòng người đợi đèn đỏ, là người bán làm xong 1 cốc cho mình rồi. Rất tiện cho những người mê cà phê mà lại phải đi làm sớm", một fan cứng của món đồ uống này cho hay.
Một thực khách khác cũng yêu thích món cà phê muối chia sẻ: "Hơn 2 tuần nay, sáng nào mình cũng xách trên tay 1 cốc cà phê muối, đem tới công ty uống. Thì gặp nhiều đồng nghiệp cũng như vậy và có chủ đề bàn luận rôm rả. Chúng mình còn lưu lại đặc điểm của xe và người bán hàng. Với mức giá dao động từ 15.000đ - 20.000đ/ cốc cũng tương ứng với ngân sách cà phê buổi sáng của mình".
Theo nhận xét của nhiều người, về chất lượng, có hàng pha chế rất nhanh, cà phê muối được như kỳ vọng của họ, thậm chí còn chuẩn vị hơn nhiều hàng quán nổi tiếng bán món này. "Nhưng cũng có xe bán dở lắm, mua cà phê muối nhưng chỉ như đang uống cà phê đổ thêm kem sữa", khách hành K. cho biết.
Trào lưu cà phê muối dần được nhiều người trẻ ưa chuộng. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều thức uống này có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các bạn trẻ ngoài đến quán cà phê để uống còn có thể tự pha cà phê muối tại nhà. Công thức pha cà phê muối được đăng tải, hướng dẫn chi tiết trên mạng với nguyên liệu chính là cà phê, muối ăn, sữa đặc... Tùy từng công thức mà lượng muối được cho vào một ly cà phê cũng khác nhau, dao động từ 2-5g muối.
"Vậy uống cà phê muối có lợi hay hại như thế nào? Nên uống với liều lượng bao nhiêu là vừa?". Trả lời thắc mắc này, PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên, trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết uống cà phê có lợi cho sức khỏe, giúp người uống tỉnh táo hơn. Tuy nhiên mỗi người nên uống dưới 400mg caffeine mỗi ngày, tương đương với bốn ly cà phê mỗi ngày. Riêng người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp thì hạn chế hoặc không nên uống cà phê.
Với loại cà phê muối, nếu mỗi ly cà phê cho 1/2 muỗng cà phê (2,5g muối) thì mỗi ngày chỉ nên uống một ly.
Còn những công thức cho cả một muỗng cà phê muối (5g muối) vào thì không nên uống dù chỉ một ly. Bởi lẽ, chỉ uống một ly cà phê này đã thừa lượng muối cần trong một ngày, chưa kể lượng muối từ các bữa ăn, gia vị.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo, mỗi ngày một người không nên tiêu thụ quá 5g muối từ đồ uống cũng như tất cả các gia vị, món ăn.
PGS Vĩnh Niên nhấn mạnh, uống cà phê muối có lượng muối nhiều hơn mức tiêu thụ muối được khuyến cáo mỗi ngày, người uống sẽ thừa muối, dễ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, ung thư dạ dày.
Đối với những người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, có bệnh gan, thận thì không nên uống cà phê muối. Những người này cần ăn nhạt dưới mức khuyến cáo về lượng muối mỗi ngày.
Trước câu hỏi "Những dấu hiệu nào cho thấy cơ thể ăn quá nhiều muối?", PGS Vĩnh Niên trả lời "Rất khó để nhận biết một người đã ăn vượt quá lượng muối mỗi ngày. Ăn nhiều muối trong một vài ngày, cơ thể sẽ chưa có dấu hiệu nhận biết mà phải ăn nhiều muối trong một thời gian dài mới có dấu hiệu tăng huyết áp".
Hiện nay, tại TP.HCM nhiều quán cà phê còn bán loại cà phê kem muối. PGS Vĩnh Niên lưu ý, với những người thừa cân, béo phì không nên uống loại cà phê này vì sẽ càng làm cho người uống dễ tăng cân.
Điều đó không có nghĩa là món cà phê mới lạ này đáng bị vào " danh sách đen". Các bạn trẻ muốn thưởng thức ly cà phê muối có thể order các quán cà phê cho ít muối vào cà phê hơn mức bình thường để tránh tình trạng dư lượng muối trong cơ thể.
Hai anh em ngộ độc botulinum: Tình trạng liệt cơ diễn tiến xấu hơn, không thể nói trước điều gì M.A14:31:44 27/05/20232 anh em ăn chả lụa kèm với bánh mì bị ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn chưa có chuyển biến khả quan, đặc biệt là người anh. Bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, không thể nói trước những khả năng có thể xảy ra.
2 | 0 Thảo luận | Báo cáo