Chị Thắm Muối Gia đình Haha: Bỏ bằng cử nhân Luật và câu chuyện truyền cảm hứng

Thảo Mai21:43 21/07/2025

 2  |  0 Thảo luận  |  Báo cáo

Nhân vật người mua muối xuất hiện trong đoạn cuối tập 6 chương trình Gia đình Haha hóa ra lại là nhân vật quen mặt trên các kệ hàng thực phẩm sạch: Chị Thắm - người phụ nữ nặng lòng với những cánh đồng muối trắng, làm du lịch bảo tồn và đưa "vàng trắng" Sa Huỳnh vươn xa.

Sa Huỳnh - vùng đất ven biển thuộc tỉnh Quảng Ngãi từ lâu đã nổi danh trên bản đồ khảo cổ học với những di chỉ cổ xưa, nhưng ít ai biết rằng nơi đây còn sở hữu một vẻ đẹp khác: Những cánh đồng muối trải dài ngút ngàn, trắng lóa dưới nắng. Và đó cũng chính là điểm dừng chân tiếp theo trong hành trình của các thành viên Gia đình Haha.

Chị Thắm Muối Gia đình Haha: Bỏ bằng cử nhân Luật và câu chuyện truyền cảm hứng - Hình 1

Trong tập 5 mang tên Trải nghiệm làm muối tại Quảng Ngãi, dàn cast được đưa về "ngôi nhà chung", nơi họ khoác lên mình vai trò của những diêm dân thứ thiệt, dưới sự hướng dẫn tận tình của anh Điệp - một người gắn bó cả đời với nghề muối. Câu chuyện tưởng như khép lại yên ả trong ánh hoàng hôn cuối tập 6, khi mọi người cùng nhau xúc muối vào bao... thì bất ngờ một nhân vật mới xuất hiện, khiến cả ê-kíp quay hình phải ngạc nhiên.

Người phụ nữ ấy là chị Thắm được anh Điệp giới thiệu ngắn gọn: "Người thu mua muối". Nhưng cách chị trò chuyện tự nhiên, gần gũi và đầy duyên dáng trước ống kính khiến ai cũng phải thắc mắc: Đây có phải là nhân vật "cài cắm" của chương trình? Không! Khi hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội, cộng đồng mới vỡ lẽ: Chị Thắm không chỉ là "người mua muối thật sự", mà còn là một cái tên có "thương hiệu" ở vùng Sa Huỳnh.

Chị Thắm Muối Gia đình Haha: Bỏ bằng cử nhân Luật và câu chuyện truyền cảm hứng - Hình 2

Tìm hiểu kỹ hơn, hóa ra chị Thắm, tên đầy đủ là Phạm Hồng Thắm, sinh năm 1993 không đơn thuần là một thương lái. Cô từng tốt nghiệp ngành Luật, có thể đã sống một cuộc đời khác ở phố thị nếu không mang trong mình tình yêu quá lớn dành cho hạt muối quê nhà. Nhìn bà con rời bỏ đồng muối vì giá quá rẻ, Thắm quyết định quay về, bước chân vào những ruộng muối chói chang nắng, để bắt đầu hành trình đòi lại giá trị thật cho muối Sa Huỳnh.

Bởi muối nơi đây, thứ gia vị tưởng như tầm thường thực chất lại mang hương vị rất riêng: Mặn mà mà dịu nhẹ, tinh sạch, kết tinh từ nắng gió miền Trung. Nhưng vì thiếu đầu ra, thiếu thương hiệu, muối Sa Huỳnh bị ép giá đến mức không đủ sống. Và đó là điều khiến chị Thắm không cam lòng.

Chị Thắm Muối Gia đình Haha: Bỏ bằng cử nhân Luật và câu chuyện truyền cảm hứng - Hình 3

Gác bỏ tấm bằng cử nhân Luật, đeo balo muối đi "chinh Nam, phục Bắc"

Sau khi tốt nghiệp ngành Luật tại Đại học Kinh tế Luật - Đại học Quốc gia TP.HCM vào năm 2015, Thắm quyết định nâng cao giá trị hạt muối quê hương bằng cách tạo đầu ra cho muối biển Sa Huỳnh. Cô ủng hộ phương pháp truyền thống trên nền đất sét trầm tích, giúp giảm thiểu rác thải nhựa và vi nhựa, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái đồng muối, còn giúp tạo ra các sản phẩm muối tự nhiên mang đậm tính đặc trưng của thổ nhưỡng và chất vị đặc biệt. Với Thắm, vị mặn tự nhiên từ muối biển truyền thống trên nền đất chính là hương vị ngon và tinh tế nhất từ muối biển.

Sinh ra và lớn lên ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, cô gái sinh năm 1993 càng thấu hiểu những khó khăn, vất vả của diêm dân Sa Huỳnh. Năm 2017, trong một lần chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, Thắm bộc bạch rằng: "Nếu vì tiền thì với tấm bằng Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM tôi có thể an phận làm một công việc ở TP.HCM. Tôi đi bán muối là muốn xã hội trả lại công bằng cho muối. Tại sao muối lại rẻ rúng dù ai cũng dùng mỗi ngày."

Chị Thắm Muối Gia đình Haha: Bỏ bằng cử nhân Luật và câu chuyện truyền cảm hứng - Hình 4

Diêm dân vất vả, nhọc nhằn để làm ra những vựa muối sạch, thế nhưng có những khi giá muối rớt thảm hại chỉ còn 300 đồng/kg, Thắm lại càng muốn tìm cách tạo đầu ra và nâng cao giá muối để cải thiện đời sống cho diêm dân quê mình.

Và cứ thế, bắt đầu từ những ngày ấy, cô gái 9x không ngừng có những chuyến đi chinh phục khách, lúc nào trong ba lô cũng sẵn hai ba bịch muối để giới thiệu. Đến tháng 10/2015, Thắm bán được những cân muối đầu tiên ra thị trường. Tin vui là sau một năm, gần 50 tấn muối được Thắm thành công đưa lên những kệ hàng của các cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc.

Cô ký hợp đồng với người dân, hướng họ quay lại phương pháp làm muối thủ công xưa cũ, không chất tẩy, không hóa học, không máy móc công nghiệp. Những thay đổi tưởng như đơn giản ấy lại là cuộc cách mạng nhỏ về ý thức, tốn thời gian, công sức, và cả tiền bạc.

Chị Thắm Muối Gia đình Haha: Bỏ bằng cử nhân Luật và câu chuyện truyền cảm hứng - Hình 5

Rồi đến chuyện dựng xưởng hầm muối - một mô hình gần như không ai còn làm, tự mình lặn lội đi học, đi giao lưu, mời gọi đối tác, quảng bá sản phẩm từ tay không. So với hàng nghìn tấn muối còn nằm trên những cánh đồng trải dài ở Sa Huỳnh, có lẽ con số ấy thật nhỏ bé nhưng là những quả ngọt đầu tiên trên hành trình đưa "vàng trắng" Sa Huỳnh vươn xa của Thắm.

Thương hiệu muối sạch SAHU góp phần đưa "vàng trắng" Sa Huỳnh vươn xa

Thời gian đầu, xưởng muối của Thắm chỉ làm ra vài dòng sản phẩm cơ bản như muối tinh, muối hầm. Nhưng chính từ những hạt muối thấm mồ hôi ấy, cô bắt đầu tạo ra giá trị mới. Giờ đây, muối của xưởng không chỉ sạch mà còn mang tính thủ công, nghệ thuật: Hoa muối - được ví như "tinh hoa của ruộng muối" có giá bán 34.000 đồng/kg, cao gấp 17 lần so với muối nguyên liệu; còn muối ủ ống tre có giá tới 100.000 đồng/kg, gấp 50 lần.

Chị Thắm Muối Gia đình Haha: Bỏ bằng cử nhân Luật và câu chuyện truyền cảm hứng - Hình 6

Không có con đường tắt nào cho một hạt muối tử tế. Và Thắm chọn đi đường dài để giữ được tinh khiết, giữ được vị, và giữ được niềm tin từ chính mảnh đất mặn mòi ấy. Năm 2017, Thắm cùng diêm dân Sa Huỳnh nghiên cứu và tạo ra hoa muối đầu tiên đạt chuẩn tại Việt Nam.

Hoa muối SAHU không chỉ được công nhận về giá trị ẩm thực mà còn đóng góp vào việc cải thiện sinh kế cho diêm dân địa phương. Trong những năm hoạt động trong nghề muối, Thắm luôn đồng hành và khuyến khích diêm dân nâng cao kỹ thuật làm muối và luôn thu mua muối biển trên nền đất với giá cao nhất.

Chị Thắm Muối Gia đình Haha: Bỏ bằng cử nhân Luật và câu chuyện truyền cảm hứng - Hình 7

Khách mà Thắm nhắm tới không phải là số đông ồn ào, mà là những người âm thầm chọn cách sống lành, luôn ưu tiên thực phẩm sạch, chất lượng và an toàn để gìn giữ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Họ là nhóm người tiêu dùng kỹ tính, nhưng chính vì thế, cũng là nhóm trung thành và biết trân trọng giá trị thật.

Thế nhưng giữa thị trường đầy rẫy những sản phẩm "màu mè bao bì, mỏng manh chất lượng", để một hạt muối nguyên bản từ Sa Huỳnh có thể đứng vững và đi xa, ngoài yếu tố chất lượng, chị Thắm hiểu rõ: Quảng bá là chiếc cầu không thể thiếu. "Muốn sống được với nghề, người làm ra sản phẩm phải dám cam kết về chất lượng. Chỉ khi người tiêu dùng tin vào sự an toàn, sạch sẽ, họ mới sẵn sàng quay lại và đồng hành lâu dài", chị chia sẻ.

Chị Thắm Muối Gia đình Haha: Bỏ bằng cử nhân Luật và câu chuyện truyền cảm hứng - Hình 8

Chính với tâm thế đó, đầu năm 2018, Thắm quyết định không chỉ làm muối mà còn làm thương hiệu. Thắm thành lập Cty TNHH MTV muối SAHU tại phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, với khát vọng đưa hạt muối quê hương không chỉ dừng lại ở chợ làng.

Đến nay, SAHU không chỉ là tên gọi của một công ty mà còn là một niềm tin được hình thành từ sự kiên trì và minh bạch. Doanh nghiệp của Thắm đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, và sản phẩm muối truyền thống do chị làm ra đã có mặt tại hàng chục đại lý trên khắp các tỉnh, thành - một bước đi vững chắc của hạt muối Sa Huỳnh trên hành trình "ra biển lớn".

Chị Thắm Muối Gia đình Haha: Bỏ bằng cử nhân Luật và câu chuyện truyền cảm hứng - Hình 9

Bạn có THÍCH bài viết này chứ?
Không