Tiêm filler làm đẹp, một thiếu phụ bị biến chứng nghiêm trọng

Tiêm filler toàn thân để đẹp hoàn hảo, cô gái trẻ phải trải qua 60 lần lên bàn mổ, hàng trăm vết sẹo hằn sâu khắp cơ thể, vùng đùi tan nát, rách toạc đến mức lộ trơ bó cơ.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc một bệnh viện thẩm mỹ tại TPHCM, chia sẻ về một ca cấp cứu biến chứng nghiêm trọng do tiêm filler toàn thân. Đây là một trong những trường hợp hoại tử lớn nhất mà ông và ê-kíp từng đối mặt, để lại ám ảnh sâu sắc.
Trong phòng mổ, tiếng kêu cứu xé lòng của cô gái vang lên: "Bác sĩ ơi, cứu con với!" . Đó không chỉ là lời cầu xin mà còn là khởi đầu của một ca phẫu thuật căng thẳng, đối mặt với tình trạng hoại tử nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Dung, bệnh nhân nhập viện trong trạng thái hoảng loạn, co rúm người mỗi khi bác sĩ đến gần, gào khóc và lặp đi lặp lại: "Cứu con với, khâu lại giúp con, con đau lắm". Mùi dịch mủ bốc lên nồng nặc qua lớp băng gạc. Vùng đùi phải của cô sưng phù, tím tái, với vết loét sâu 10x25cm, lộ cả bó cơ. Mỗi thao tác y tế đều khiến cô run rẩy vì nỗi ám ảnh từ hàng chục ca mổ trước đó.
Bác sĩ Tú Dung mô tả đây là " ca cấp cứu hoại tử lịch sử" . Bệnh nhân đã trải qua hơn 60 lần phẫu thuật trong 6 năm: Rạch, khâu, ghép da, dẫn lưu, cắt lọc – một vòng luẩn quẩn của cơn đau thể xác và khủng hoảng tinh thần.
Hậu quả của quá trình tiêm filler quá nhiều. Từ năm 2019, cô liên tục tiêm filler toàn thân từ mặt, bụng, mông đến đùi. Cô không chỉ tiêm ở Việt Nam mà còn sang tận Dubai; sử dụng đủ loại filler, nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc. Chỉ tay vào những vết sẹo chi chít khắp cơ thể, cô gái nói: "Cứ thấy chưa đẹp là tiêm tiếp".
Biến chứng bắt đầu xuất hiện, buộc cô phải nhập viện phẫu thuật liên tục. Sau mỗi lần mổ, tưởng chừng đã ổn, nhưng hoại tử lại tái phát ở vị trí khác.
Hai tuần trước khi nhập viện, tình trạng cô chuyển biến xấu nhanh chóng. Vùng đùi phải sưng tấy, đỏ rực, đau như bị hàng trăm vật nhọn khoét vào. Dịch mủ chảy ra từng đợt. Một bệnh viện khác đã mổ sơ khởi nhưng không kiểm soát được, khiến hoại tử lan rộng. Cuối cùng, cô được chuyển đến trong tình trạng kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Ca phẫu thuật nghẹt thở
Ca mổ cấp cứu kéo dài gần 5 giờ, được bác sĩ Tú Dung mô tả là nghẹt thở. Filler không rõ nguồn gốc đã vón cục, len lỏi như mạng nhện trong các lớp cơ, khiến mô mềm gần như tan nát từ bẹn xuống đầu gối. Dịch mủ đặc sánh, mùi hôi nồng nặc, buộc ê-kíp phải xử lý nhanh và chính xác để ngăn hoại tử lan rộng.
Bác sĩ và đồng nghiệp phải mổ sâu tới cơ, nạo vét từng hốc hoại tử như những nhà khảo cổ tách từng lớp đất. Mỗi lần dùng dao đều đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối để tránh tổn thương bó mạch lớn.
"Tôi từng xử lý nhiều ca biến chứng filler, nhưng chưa bao giờ đối mặt với ổ áp xe ăn sâu như thế," bác sĩ Dung chia sẻ.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được đặt hệ thống VAC (hút áp lực âm) để dẫn lưu dịch mủ và làm khô vết thương. Đồng thời, cô được truyền kháng sinh phổ rộng, kết hợp công nghệ kháng khuẩn để giảm viêm, chống sưng và hỗ trợ phục hồi. Các bác sĩ cũng tập trung ổn định tâm lý cho bệnh nhân, chuẩn bị cho những can thiệp tiếp theo.
Bác sĩ Tú Dung nhấn mạnh, filler không sai, nhưng sử dụng sai cách, sai nơi, sai người có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Tiêm filler bởi người thiếu chuyên môn hoặc dùng sản phẩm trôi nổi là hành vi tự hại chính mình trong im lặng.
Những ca như trên không chỉ gây hoại tử từng lớp cơ mà còn có thể dẫn đến mất mạng sống. Quan niệm "tiêm nhanh đẹp tức thì không đau, không rủi ro" là ảo tưởng nguy hiểm.
Tiêm filler có an toàn không?
Cùng với sự phát triển của các công nghệ làm đẹp hiện đại, tiêm filler đang trở thành một trong những phương pháp thẩm mỹ được nhiều người lựa chọn nhất hiện nay. Tuy nhiên, phương pháp này có thật sự "thần kỳ" như bao đồn đoán hay việc tiêm filler có hại hay không?
Tiêm filler hay tiêm chất làm đầy là thủ thuật tiêm hợp chất có tác dụng làm đầy tự nhiên đến vị trí các nếp gấp và mô trên khuôn mặt để làm giảm sự hiện diện của nếp nhăn và hồi phục sự căng đầy trên khuôn mặt, đồng thời giảm dần các dấu hiệu lão hóa theo thời gian. Những chất này được tiêm dưới da tại các vị trí như má, môi, cằm, nếp chân chim ở mắt, vùng trũng dưới mắt.
Nhiều khách hàng sẽ thắc mắc rằng liệu phương pháp này có an toàn không hay tiêm filler có hại về sau không. Nhìn chung, phần lớn các loại filler đặc biệt là filler có chứa axit Hyaluronic có thể hấp thụ tự nhiên vào cơ thể. Đồng thời, đây cũng là một phương pháp xâm lấn tương đối hạn chế, nên những tác hại từ việc tiêm filler gây ra thường không quá nguy hiểm.
Mặc dù vậy, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại filler được quảng cáo là có hiệu quả kéo dài rất nhiều năm và đôi khi là vĩnh viễn. Các bác sĩ thẩm mỹ khuyến cáo khách của mình không nên lựa chọn những loại filler này vì có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ và việc điều trị hậu quả cũng rất phức tạp và nặng nề.
Những nguyên nhân không ngờ khiến thanh niên mới hơn 20 tuổi đã đột quỵ Bạch Dương20:41:38 28/04/2024Cao huyết áp, sử dụng chất kích thích, ma tuý tổng hợp... đã khiến nhiều người trẻ chỉ ở độ tuổi 20-30 đã rơi vào tình trạng đột quỵ, trong đó có không ít ca nguy kịch.
3 | 0 Thảo luận | Chia sẻ
1 | 0 Thảo luận | Báo cáo