Danh ca Lan Ngọc: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xem như em gái, là ngoại lệ duy nhất
2 | 1 Thảo luận | Chia sẻ
Phúc Dzĩ được biết đến là nghệ sĩ kịch câm hàng đầu, góp phần gây dựng nên thể loại kịch đặc biệt ở Việt Nam. Ông vừa trút hơi thở cuối cùng sáng 12/12, hưởng thọ 79 tuổi.
Nghệ sĩ Phúc Dzĩ (tức Hoàng Phúc Dzĩ) sinh năm 1944, được xem là một trong những nghệ sĩ đầu tiên có công gây dựng nên kịch câm ở Việt Nam. Đối với NSƯT Trần Lực, Hoàng Phúc Dzĩ chính là thần tượng của mình. Ông cho biết những năm 1970 bản thân được xem và mê mẩn những tiết mục kịch câm do nghệ sĩ kịch câm hàng đầu biểu diễn.
"Nếu không sang Bulgaria học tôi sẽ theo anh học kịch câm và có khi thành tài ở lĩnh vực này. Năm 2016 tôi mời anh về dạy kịch câm cho sinh viên lớp diễn viên K33b, anh đã nhận lời nhưng sát đến ngày lên lớp anh báo bị thoát vị đĩa đệm phải nghỉ vận động... Lớp K33b không có duyên với thầy Phúc Dzĩ như tôi thuở xưa", NSƯT Trần Lực tiếc nuối.
Là một trong những học trò cuối cùng của nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ còn trụ lại với thể loại kịch câm, nghệ sĩ Hoàng Tùng xúc động nhớ về người thầy đáng kính. Anh cho biết khi vào công tác tại Nhà hát Tuổi Trẻ thì nghệ sĩ kịch câm hàng đầu đã về hưu. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định ở lại và đào tạo lớp trẻ.
Nghệ sĩ kịch câm Hoàng Tùng tiết lộ, từ nhỏ, anh đã rất thích được xem nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ biểu diễn ở Nhà hát Tuổi Trẻ. Sau này, khi về làm việc ở nhà hát, anh may mắn được Phúc Dzĩ dạy kịch câm một cách tận tình.
Khi theo chuyên sâu về bộ môn này, Hoàng Tùng cũng được nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ theo dõi, hỗ trợ nhiều về kiến thức, kỹ năng... Và anh thường gọi nam nghệ sĩ là "bác".
"Tôi thấy bác rất vui khi có thế hệ nối tiếp nghề. Bác có video biểu diễn ở đâu đều gửi cho tôi xem. Mỗi lần gặp bác, tôi đều tranh thủ hỏi về kịch câm Việt Nam thời kỳ bác làm. Bác chính là "nhân chứng sống" cho kịch câm ở Việt Nam. Lần gặp gần đây nhất, tôi cũng nửa đùa nửa thật bảo "bác có tài liệu nào bác chuyển giao cho cháu nốt" và bác đã chuyển cho tôi vài quyển sách...", nghệ sĩ Hoàng Tùng chia sẻ.
Hoàng Tùng nói thêm, ngoài đời nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ là người hiền lành, ít nói. Đặc biệt khi dạy học trò, nam nghệ sĩ luôn nhẹ nhàng uốn nắn chứ không "đao to búa lớn" nên học trò rất quý ông.
Đạo diễn Sĩ Tiến chia sẻ ông Phúc Dzĩ là người có năng khiếu và cực kỳ đam mê bộ môn kịch câm. Nam đạo diễn bày tỏ sự kính trọng với tiền bối: "Xem chú diễn cực kỳ thú vị và độc đáo. Chú không chỉ biểu diễn mà còn là một người thầy tận tụy đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ kịch câm ở Nhà hát Tuổi Trẻ. Chú đã miệt mài cống hiến và công tác ở nhà hát chúng tôi đến tận ngày về hưu".
Trả lời báo Tuổi trẻ, đạo diễn Giang Mạnh Hà - phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho hay, trong những năm 1980, ông Phúc Dzĩ đã được cử đi đào tạo ở Pháp về bộ môn kịch câm. Khi đó, kịch câm rất được yêu thích ở châu Âu, châu Mỹ.
"Tốt nghiệp về nước, anh chính là một trong những người đầu tiên gây dựng, tạo ra loại hình mới như một cơn sốt ở Việt Nam, đó là kịch câm. Nhiều bạn trẻ yêu thích và đua nhau đi học vì thú vị và là bộ môn hình thể dẻo dai", ông Giang Mạnh Hà nhấn mạnh.
Được biết, nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ từ năm 1982-2004. Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tổ chức lớp đào tạo cơ bản về kịch câm. Thời điểm đó kịch câm mới xuất hiện tại Việt Nam nên hoạt động với quy mô khiêm tốn.
Nhà hát ca múa nhạc T.Ư là nơi theo đuổi loại hình kịch câm đầu tiên, sau đó đến lượt Nhà hát Tuổi trẻ. Khi ấy, diễn viên kịch nói Phúc Dzĩ được Bộ Văn hóa lựa chọn, cử sang Pháp theo học 3 năm với mong muốn "đón đầu" bộ môn sân khấu đầy tiềm năng này.
Sau khóa học, nghệ sĩ Phúc Dzĩ trở về làm giảng viên chính của lớp trung cấp kịch câm do Nhà hát Tuổi trẻ mở năm 1982. Từ hơn 1.000 thí sinh ban đầu, 20 gương mặt tiềm năng nhất trúng tuyển vào khóa đào tạo 3 năm, gồm: Kế Đoàn, Bích Ngọc, Tuyết Hậu, Phương Phương,... cũng là những gương mặt chính tạo nên diện mạo của kịch câm Việt Nam những năm sau đó. Thậm chí, trước khi sang Liên Xô học nghề đạo diễn, NSND Lê Hùng có một thời gian dài "nổi đình đám" trong vai trò diễn viên kịch câm thuộc nhà hát.
Các nghệ sĩ kịch câm của Nhà hát Tuổi trẻ luôn là những gương mặt nổi bật nhất. Vở kịch câm "Thi Sĩ Hủi" của nhà hát này còn giành Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu toàn quốc 1995. Ở lĩnh vực quốc tế, tiết mục "Mặt Nạ" do nghệ sĩ Phúc Dzĩ dàn dựng cũng từng tham gia một liên hoan sân khấu quốc tế tại Iran và được khán giả yêu thích.
Ông và các nghệ sĩ như Kế Đoàn, Đặng Dũng, Bích Ngọc... được xem là những người có công gây dựng nên kịch câm và là những nghệ sĩ biểu diễn kịch câm xuất sắc của Việt Nam.
Nghệ sĩ Phúc Dzĩ từng khẳng định: "Kịch câm không bao giờ chết bởi lịch sử của kịch câm là đồ thị hình sin, lúc lên lúc xuống và phụ thuộc vào hoàn cảnh. Hoàn cảnh đó xuất hiện những con người xuất chúng thì kịch câm hưng thịnh. Kịch câm sinh ra bởi con người và con người còn sống thì kịch câm còn tồn tại".
Đến nay, sự ra đi của Hoàng Phúc Dzĩ có thể nói là sự mất mát lớn đối với nghệ thuật Việt Nam nói chung và bộ môn kịch câm nói riêng. Lễ tang nghệ sĩ kịch câm hàng đầu Việt Nam được tổ chức từ 7h30 ngày 15/12 tại Nhà tang lễ bệnh viện Hữu Nghị (1B Trần Khánh Dư, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Lễ truy điệu diễn ra lúc 9h cùng ngày.
2 | 1 Thảo luận | Chia sẻ
4 | 1 Thảo luận | Chia sẻ
1 | 0 Thảo luận | Chia sẻ
4 | 1 Thảo luận | Chia sẻ
2 | 0 Thảo luận | Chia sẻ
4 | 0 Thảo luận | Chia sẻ
3 | 1 Thảo luận | Chia sẻ
1 | 0 Thảo luận | Chia sẻ
1 | 1 Thảo luận | Chia sẻ
3 | 1 Thảo luận | Chia sẻ
3 | 0 Thảo luận | Chia sẻ
4 | 0 Thảo luận | Chia sẻ
2 | 1 Thảo luận | Báo cáo