Đoàn Chuẩn: "vua" tình khúc thu Hà Nội, "công tử Bạc Liêu xứ Bắc" - phong lưu, hào hoa một thời

Ngọc Sa16:45 21/07/2023

 4  |  0 Thảo luận  |  Báo cáo

Theo dõi trên

Đoàn Chuẩn được mệnh danh là " Nhạc sĩ của mùa thu". Người kính trọng cái tính quân tử cũng nhiều, người đắm đuối với những tình khúc của ông cũng lắm và từ đó người ta truyền tai nhau những giai thoại.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (SN 1924) quê ở Cát Hải, Hải Phòng. Ông được biết đến là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc trữ tình Việt Nam vào những năm thập niên 1950.

Đoàn Chuẩn: vua tình khúc thu Hà Nội, công tử Bạc Liêu xứ Bắc - phong lưu, hào hoa một thời - Hình 1

Những ca khúc do nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sáng tác có giai điệu, ca từ đẹp, lãng mạn, cuốn hút người nghe. Bởi thế, tuy số lượng sáng tác ít ỏi nhưng những ca khúc được ông sáng tác và phát hành đều trở thành những tác phẩm để đời và đa số đều quen thuộc với khán, thính giả yêu nhạc.

Một số bài hát "huyền thoại" của ông có thể kể đến như: Đường về Việt Bắc, Lá đổ muôn chiều, Tình nghệ sĩ, Thu quyến rũ, Tà áo xanh, Gửi gió cho mây ngàn bay, Gửi người em gái miền Nam...

Không những nổi tiếng là một nhạc sĩ tài hoa, Đoàn Chuẩn còn được nhận xét là một nghệ sĩ đào hoa, phong lưu và đầy chất chơi. Thời bấy giờ ông được người đời đặt cho nhiều biệt danh như: "Ông hoàng nhạc tình", "Công тử Bạc Liêu xứ Bắc" hay "Nhạc sĩ của mùa thu"...

Sinh ra trong một gia đình tư sản ở Hải Phòng, ông lớn lên ở Hà Nội và là nghệ sĩ chơi đàn ghi-ta Hawaii. Từ nhỏ, Đoàn Chuẩn đã được học Tây ban cầm với Nguyễn Thiện Tơ, sau đó học Hạ uy cầm với William Chấn - họ đều là những nghệ sĩ guitar tài danh thuộc thế hệ đầu của Việt Nam.

Đoàn Chuẩn: vua tình khúc thu Hà Nội, công tử Bạc Liêu xứ Bắc - phong lưu, hào hoa một thời - Hình 2

Ông sáng tác ca khúc đầu tiên là "Ánh trăng mùa thu" vào năm 1947 tại làng Đống Năm, Đông Hưng, Thái Bình. Ca khúc này gắn với một kỷ niệm về làng Khuốc (đất Chèo).

Một điều rất đặc biệt - tất cả ca khúc của ông đều được ghi tên tác giả là "Đoàn Chuẩn- Từ Linh". Thực ra Từ Linh không trực tiếp tham gia sáng tác, nhưng Đoàn Chuẩn ghi tên chung hai người để tôn vinh người bạn tri âm của mình - ông tôn vinh tình bạn đã góp phần tạo cảm hứng nghệ thuật.

Từ Linh tên thật là Hà Đình Thâu, ông vốn là một nhiếp ảnh gia. Cái tên chung mà người nhạc sĩ này đã chọn để sử dụng vẫn là một ẩn số đối với công chúng.

Trở lại với cuộc đời của người nhạc sĩ tài ba, năm 1946, Đoàn Chuẩn cùng gia đình chuyển về Thanh Hóa, ông vào Liên khu 4, tại đây ông gặp Tô Vũ, Tạ Phước cùng đi hát với Ngọc Bích và sáng tác bài Tình Nghệ Sĩ (1947).

Đoàn Chuẩn: vua tình khúc thu Hà Nội, công tử Bạc Liêu xứ Bắc - phong lưu, hào hoa một thời - Hình 3

Sau đó, Đoàn Chuẩn theo một đoàn cứu thương lên Việt Bắc và sáng tác bài "Đường về Việt Bắc". Năm 1950, Đoàn Chuẩn trở về từ khu kháng cнιếɴ, lúc này ông bắt đầu phát hành một loạt ca khúc đã sáng tác từ trước, đồng thời viết thêm một số bài mới. Vào thời điểm đó, những ca khúc ông sáng tác đều được phát trên đài phát thanh và được khán, thính giả đón nhận nồng nhiệt.

Có rất nhiều ca sĩ nổi tiếng đã trình bày các sáng tác của Đoàn Chuẩn như: Mộc Lan, Thái Thanh, Lệ Thanh, Minh Hiếu, Lệ Thu, Khánh Ly, Mai Hương, Ánh Tuyết, Bằng Kiều, Tùng Dương,...

Nhắc đến Đoàn Chuẩn người ta lại nhớ đến những ca khúc về mùa thu. Trong 10 tình khúc nổi tiếng nhất của ông, thì có đến 9 nhạc phẩm viết về mùa thu, duy chỉ có bài Gửi Người Em Gái Miền Nam là viết về mùa xuân, dù vậy trong ca khúc vẫn xuất hiện hình ảnh của một mùa thu đã xa.

Đoàn Chuẩn: vua tình khúc thu Hà Nội, công tử Bạc Liêu xứ Bắc - phong lưu, hào hoa một thời - Hình 4

Lúc sinh thời, Đoàn Chuẩn từng chia sẻ: "Giời đất cho ta đủ cả bốn mùa, nhưng hình như chỉ có mùa thu là mùa của tình yêu, vì mùa hè thì oi bức, ồn ào quá; còn mùa đông lại giá lạnh, cô quạnh quá; mùa xuân thì vạn vật còn mải rong chơi...". Chắc có lẽ vì thế mà người nhạc sĩ này đã sáng tác nên những ca khúc về mùa Thu đầy xúc cảm - làm say mê biết bao thế hệ suốt những thập niên qua.

Tác giả Nguyễn Thụy Kha từng nhận xét về nhạc của Đoàn Chuẩn như sau: "Trong giai điệu của ông, ta cảm thấy có tiếng lá rơi nhè nhẹ, có tiết heo may se lạnh, có cả mùi thơm của cốm ủ lá sen. Nghe giai điệu của ông, ta cảm thấy bâng khuâng, yêu thương, luyến tiếc.

Hơn nữa, còn thấy phảng phất ở giai điệu ấy hình bóng huyền diệu của những "tuyệt sắc giai nhân" đã hơn một lần làm xao xuyến trái tim "chàng công tử Hà Nội" dịu dàng và đa tình này.

Vẫn một tình nghệ sĩ ấy, vẫn một tà áo xanh ấy, vẫn gặp gỡ và chia tay muôn thuở. Nhưng trong giai điệu của Đoàn Chuẩn, mùa thu Hà Nội đã luồn vào trong từng ngóc ngách, trong từng cung bậc...."

Đoàn Chuẩn lập gia đình khá sớm, khi ông còn học trường trung học Louis Pasteur. Là một chàng trai hào hoa, phong nhã cùng gia cảnh giàu có nhưng ông lại say mê cô nữ sinh cùng lớp tên Nguyễn Thị Xuyên. Một cô gái có xuất thân không mấy khá giả nhưng gia đình rất gia giáo cùng nhan sắc mỹ miều, đoan trang. Chưa một lần hẹn hò nhưng Đoàn Chuẩn nhất quyết xin gia đình qua hỏi cưới cô nàng mà ông thầm yêu về làm vợ.

Đoàn Chuẩn: vua tình khúc thu Hà Nội, công tử Bạc Liêu xứ Bắc - phong lưu, hào hoa một thời - Hình 5

Con trai của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn từng kể về câu chuyện của cha mẹ như sau: Thời đó, Đoàn Chuẩn và bà Nguyễn Thị Xuyên học chung một lớp, cả hai đều nói tiếng Anh và Pháp rất giỏi. Quá si mê cô gái đẹp người đẹp nết, Đoàn Chuẩn về xin bố mẹ cho cưới vợ.

Anh chia sẻ: "Bà nội tôi liền đến nhà mẹ tìm hiểu thì thấy gia đình nhà mẹ rất gia giáo và đồng ý liền. Chiến tranh ngăn cách, gia đình nhà tôi chia ra làm hai, một nửa lên chiến khu Việt Bắc, một nửa ở lại. Mẹ tôi ngày đó hay mặc áo tím, khi bố lên thăm mẹ bồi hồi quá viết luôn ca khúc Đường Về Việt Bắc nên mới có hình ảnh người con gái áo tím trong bài hát".

Sau khi lập gia đình, Đoàn Chuẩn vẫn tiếp tục sống cuộc đời phiêu lãng với âm nhạc và những cuộc tình với những bóng hồng thể hiện trong lời ca nét nhạc của ông.

Dù vậy, trong chương trình "Người kể chuyện tình", con trai của cố nhạc sĩ - nghệ sĩ Đoàn Đính cho biết, cha anh không bao giờ nhắc tới bất cứ người phụ nữ nào ngoài vợ. Anh nói: "Bố không bao giờ nhắc đến bất kỳ một người phụ nữ nào khác ngoài mẹ tôi. Gia đình tôi rất nghiêm khắc. Những chuyện mà dư luận đồn thổi, trong gia đình tôi không bao giờ được nghe và cũng không được phép tò mò".

Đoàn Chuẩn: vua tình khúc thu Hà Nội, công tử Bạc Liêu xứ Bắc - phong lưu, hào hoa một thời - Hình 6

Với cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, vợ ông - bà Nguyễn Thị Xuyên là người duy nhất được ông nhắc đến trong gia đình một cách trang trọng. Nhắc đến người mẹ của mình, nghệ sĩ Đoàn Đính cho biết, bà là người phụ nữ yêu chồng thương con và một lòng một dạ vì chồng.

Dù chồng là nhạc sĩ, luôn bị dư luận đồn thổi là có nhiều "bóng hồng" xung quanh nhưng bà vẫn tin tưởng chồng và không bao giờ ghen tuông hay làm gì khiến chồng phải phiền lòng.

Bà Nguyễn Thị Xuyên từng chia sẻ: "Ông lãng mạn đa tình lắm. Có vậy ông mới viết được bài hát hay thế. Ông muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, tôi chiều ông hết. Bổn phận của tôi là chăm sóc chồng, nuôi con, lúc nào cũng an phận chịu đựng. Ông không biết đến sinh kế gia đình, con cái...

Đời ông phóng khoáng. Nghe nhạc ông lúc nào tôi cũng ngạc nhiên - sao ông tài thế? Mỗi bài hát là kỷ niệm một mối tình đi qua đời ông. Ông chỉ viết một bài cho tôi, hồi đó ông chưa lơ mơ ai cả. Ông viết Đường Về Việt Bắc, nhớ nhà, nhớ vợ và màu tím áo lụa Hà Đông tôi mặc khi còn đi học. Đôi khi tôi cũng buồn vì ông tặng tình ca cho người phụ nữ khác. Nhưng lấy chồng nghệ sĩ, số mình chịu vậy".

Đầu năm 2000, Đoàn Chuẩn bị tai biến mạch máu não và rơi vào hôn mê. Sau đó, ông tỉnh lại nhưng mất tiếng nói, chỉ có thể bút đàm cho đến lúc qua đời. Ngày 15 tháng 11 năm 2001 nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thanh thản về cõi vĩnh hằng, để lại niềm xót xa đầy tiếc thương cho gia đình và những người mến mộ.

Ngôi nhà của gia đình Đoàn Chuẩn nay vẫn ở số 9, phố Cao Bá Quát. Từ ngày ông bà mất, con cháu ông đã dùng căn phòng xưa ông vẫn thường ở vừa làm nơi thờ phụng, vừa để làm phòng lưu niệm với rất nhiều hình ảnh, hiện vật gắn bó với ông suốt 77 năm cuộc đời.

Đoàn Chuẩn: vua tình khúc thu Hà Nội, công tử Bạc Liêu xứ Bắc - phong lưu, hào hoa một thời - Hình 7

Bạn có THÍCH bài viết này chứ?
Không
aff cup 2024hlv kim sang-sikasean cupshowbiz trungvăn toànxuân sơnhồng loanvũ linhvương tinhhồng phượngcháy rừngmất tích