Châu Kỳ: Tác giả viết nhạc từ những mảnh tình tan vỡ của chính mình
Dù yêu mến dòng nhạc Bolero thế nhưng lại ít ai biết được, Châu Kỳ - một nhạc sĩ viết nhạc vàng kỳ cựu lại lấy "chất liệu" sáng tác từ những mối tình đã qua của mình, từ những lần "đổ vỡ" ấy lại cho ra đời những khúc tình ca bất hữu.
Thật hiếm thấy có người nghệ sĩ nào mà sinh hoạt văn nghệ trải dài trên nhiều lĩnh vực như nhạc sĩ Châu Kỳ. Ông sinh ngày 5 tháng 11 năm 1923 ở Huế. Xuất thân từ một gia đình mà anh chị em đều sống với nền cổ ca Huế.
Cha ông là Châu Huy Hà - một nghệ nhân ca Huế, chị ruột là Châu Thị Minh, được coi là nữ minh tinh của miền Trung. Châu Kỳ thừa hưởng được nền móng âm nhạc miền Trung cổ. Lúc còn học ở Lycée Khải Định, Châu Kỳ được học nhạc với sư huynh Pière Thiều - một linh mục rất giỏi về nhạc lý và sáng tác. Thầy dạy cho Châu Kỳ kỹ thuật hát, nên đôi khi chúng ta sẽ bắt gặp những âm hưởng cổ nhạc miền Trung qua những ca khúc như: Khúc Ly Ca, Từ Giã Kinh Thành, Mưa Rơi (Lời Ưng Lang), Khi Ánh Trăng Vàng Lên Khơi, ...
Châu Kỳ từng dạy nhạc tại trường âm nhạc Huế, tham gia nhiều đoàn văn nghệ như đoàn Ái Liên, đoàn cải lương Bắc Việt, ông lại trở thành ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á, sau vào miền Nam trở thành nhà soạn kịch và đóng những vở kịch chủ đề như là ái tình và tôn giáo khiến nhiều người ngạc nhiên về khả năng của ông, một người ở miền Trung mà lại viết kịch bằng lối hành văn của miền Nam.
Năm 14 tuổi, Châu Kỳ đã bước lên sân khấu chuyên nghiệp với tư cách một ca sĩ. Ông đã đi hát trong đoàn của người chị Châu Thị Minh - đoàn ca kịch Hồng Thu. Nhưng chủ yếu Châu Kỳ theo gánh hát của nghệ sĩ Ái Liên biểu diễn khắp nơi.
Bài đầu tiên ông sáng tác vào năm 18 tuổi khi theo đoàn Ái Liên từ Hà Nội về Huế thăm mẹ. Nhưng cuối năm Canh Thìn 1940, Huế bị một trận lụt rất lớn. Không ngờ, cả mẹ và người thân của Châu Kỳ đã mất theo dòng nước cuốn.
Xót xa và ân hận, vừa thương mẹ vừa thương mình, Châu Kỳ đã viết ca khúc đầu tay Trở Về lúc 19 tuổi. Nhạc phẩm Trở Về đã gây một tiếng vang trong giới tân nhạc và để lại trong lòng người nghe nhiều cảm xúc.
Không chỉ ca hát, Châu Kỳ còn đóng kịch và viết kịch. Một trong những vở kịch khá được ưa chuộng của Châu Kỳ viết cho đoàn Hồng Thu là vở Ái Tình và Tôn Giáo. Tuy nhiên, sự nghiệp của Châu Kỳ thăng hoa nhất ở những ca khúc trữ tình. Như một duyên phận trớ trêu, mỗi ca khúc phổ biến của nhạc sĩ Châu Kỳ đều gắn với trắc trở của một bóng hồng nào đó.
Ca khúc Giọt Lệ Đài Trang là một ví dụ. Được biết ca khúc này ông viết cho thiếu nữ bất hạnh Đoàn Thị Sum ở Nha Trang đã từng yêu đương với ông những ngày lang thang lưu diễn ở phố biển.
Khi còn ở Huế, nhạc sĩ Châu Kỳ si mê Tôn Nữ Kim Anh, là con gái một quan thượng thư. Để gây ấn tượng với Tôn Nữ Kim Anh, chàng lãng tử Châu Kỳ đã ôm đàn đứng dưới cửa sổ nhà nàng để trổ nghề chinh phục. Đàn vừa ngân mấy khúc, Tôn Nữ Kim Anh ngừng tay đan áo, nhìn xuống và buông một câu: "Xướng ca vô loài".
Quá thất vọng và quá bẽ bàng, Châu Kỳ ôm trái tim tan vỡ vào Sài Gòn để lánh xa chốn ê chề. Thế sự vần xoay, Tôn Nữ Kim Anh cưới một ông chồng Pháp rồi sau 1954 lại một thân một mình trôi dạt vào Sài Gòn. Nhạc sĩ Châu Kỳ gặp lại cố nhân trong một chiếc áo rách và trong túi chỉ còn 5 đồng, chỉ đủ ăn một bát cháo.
Trùng phùng giữa nghịch cảnh éo le, Tôn Nữ Kim Anh gục đầu vào vai nhạc sĩ Châu Kỳ mà nước mắt ngắn dài cho vơi bớt hờn tủi má hồng. Nghĩ về người cũ thăng trầm trần gian, nhạc sĩ Châu Kỳ viết ca khúc Giọt Lệ Đài Trang đầy thương xót.
Dù chút mơ mộng với người đẹp lầu son tan thành mây khói, nhưng những ngày ca hát ở Sài Gòn đã cho nhạc sĩ Châu Kỳ một mối tình lâm ly với mỹ nhân gốc Hải Phòng lừng lẫy: ca sĩ Mộc Lan. Nổi danh cùng thời với Tâm Vấn, Kim Tước và Châu Hà, ca sĩ Mộc Lan vốn tên thật Phạm Thị Ngà từ độ trăng tròn đã được xưng tụng tài sắc.
Quen biết nhau chỉ nửa năm, nhạc sĩ Châu Kỳ và ca sĩ Mộc Lan tổ chức đám cưới và trở thành cặp song ca ăn khách. Nhạc sĩ Châu Kỳ đưa người vợ nhỏ hơn mình 8 tuổi về Huế hát thường xuyên cho đài phát thanh cố đô với mức lương khá hậu hĩnh.
Đáng tiếc, căn phòng nhỏ phía sau Ty thông tin Huế nằm dưới chân cầu Tràng Tiền không thể nuôi dưỡng hạnh phúc của họ.
Ân nghĩa phu thê chỉ kéo dài 6 năm với ca sĩ Mộc Lan, để lại nhiều dư âm nhói buốt trong lòng nhạc sĩ Châu Kỳ. Không còn người bạn đời cùng song ca trên sân khấu, nhạc sĩ Châu Kỳ dồn sức sáng tác một loạt ca khúc cho vơi bớt niềm riêng cay đắng như: Từ Giã Kinh Thành, Khúc Ly Ca, Tiếng Ca Đó Về Đâu, Khuya Nay Anh Đi Rồi, Tìm Nhau Trong Kỷ Niệm, Đàn Không Tiếng Hát, ...
Sau nhiều trắc trở trong chuyện tình cảm, Châu Kỳ may mắn tìm được "một nửa" thật sự của đời mình, đó là bà Kha Thị Đàng. Người đã gắn bó với cuộc đời ông gần 60 năm, từ năm 1956 và cùng chồng bôn ba khắp nơi.
Dù bị gia đình phản đối, cô nữ sinh trường Gia Long mới vừa 16 tuổi - Kha Thị Đàng vẫn quyết tâm làm vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ vào năm 1955. Ca khúc Con Đường Xưa Em Đi chính là bài hát bắt đầu mối lương duyên của nhạc sĩ Châu Kỳ và bà Kha Thị Đàng.
Xuất hiện trong chương trình Người kể chuyện tình, bà Kha Thị Đàng không ngại nói về sự ra đời của tác phẩm gây nhiều tranh cãi trong suốt thời gian dài: "Bài hát được sáng tác lúc chúng tôi làm việc ở nhà máy giấy Tân Mai, Biên Hòa, Đồng Nai. Sau lưng nhà máy là một con đường mòn nối liền nơi nghỉ trưa của công nhân và khu vực làm việc. Chính những hình ảnh này đã gợi cảm hứng cho Châu Kỳ viết nên những giai điệu cho bài hát, gửi tặng cho tôi".
Nhạc của ông đã được nhiều thế hệ ca sĩ từ trước 1975 đến nay thể hiện ở Việt Nam và hải ngoại. Năm 2005, cùng với nhạc sĩ Quốc Dũng và Tùng Giang, ông được 1 trung tâm làm hẳn 1 chương trình vinh danh.
Cũng trong năm này, sức khoẻ nhạc sĩ Châu Kỳ sa sút rất nhanh. Ông không còn khả năng tự đạp xe đi giao lưu với bạn bè. Không thể cưỡng lại định mệnh, nhạc sĩ Châu Kỳ chia lìa nhân gian ở tuổi 85, vào ngày 6/1/2008.
Quốc Dũng: Chặng đường 50 năm sống với âm nhạc, tình yêu nhiều thăng trầm cùng danh ca Bảo Yến Gia Linh11:18:36 25/09/2023Sự ra đi của nhạc sĩ Quốc Dũng để lại nhiều tiếc thương cho bạn bè, đồng nghiệp. Nhạc sĩ đã để lại cho nền nhạc Việt gia tài của mình là vô số ca khúc bất hữu được viết từ những trải nghiệm cuộc sống của ông.
3 | 0 Thảo luận | Báo cáo